Máy chạy bộ
Là một trong những loại thiết bị phổ biến trong việc tạo lập và duy trì sức khỏe. Ngày nay, máy chạy bộ đã không còn xa lạ với hầu hết mọi người. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ về loại máy này để xem đâu là những loại máy bạn nên sở hữu nhé.
Máy chạy bộ là gì?
Máy chạy bộ là một trong những thiết bị phổ biến dùng cho tập luyện chạy bộ, được lắp đặt cố định tại nhà hoặc tại các phòng tập thể hình. Đây là sự lựa chọn hợp lý cho việc tập luyện nếu bạn không muốn phải chịu nắng nóng, khói bụi ngoài đường. Đồng thời, loại máy này còn hỗ trợ tích cực cho người tập trong các bài tập chạy và tránh được các chấn thương không đáng có. Máy tập chạy bộ hoạt động trên cơ sở lực chân của người tập tác động lên thảm chạy và làm băng chuyền chuyển động.
Máy chạy bộ gồm những loại nào?
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại là máy chạy bộ gồm: máy cơ và máy điện. Trong đó, máy điện được nhiều người chọn lựa để sử dụng hơn bởi tính năng đa dạng, nhiều bài tập.
Máy chạy bộ cơ
Máy chạy bộ cơ là loại máy hoạt động không sử dụng điện. Hoạt động của nó dựa hoàn toàn vào sức của tay và lực của chân người tập để đẩy băng tải chạy.
Cấu tạo của máy cơ
Máy có cấu tạo rất đơn giản, gồm: Khung máy, băng tải và bàn chạy. Trong đó:
- Khung máy: Thường được thiết kế từ thép không gỉ, dày dặn, bền bỉ, chắc chắn, được phủ sơn tĩnh điện nên có khả năng chịu được sức nặng, chịu nhiệt và chống bám bẩn rất tốt.
- Băng tải: Thường được thiết kế từ cao su, có khả năng đàn hồi, êm và có độ bền tốt.
- Bàn chạy: Bộ phận này được thiết kế hơi dốc với lớp bên ngoài là khung thép, bên trong là gỗ cao cấp. Do đó, chúng vừa đảm bảo độ bền, lại vừa nhẹ, thuận lợi cho việc lắp đặt và luyện tập.
Ưu điểm và nhược điểm của máy cơ
- Tiết kiệm không gian, dễ lắp đặt, di chuyển do máy có kích thước nhỏ gọn, nhẹ.
- Giá thành rẻ hơn máy chạy bộ điện
- An toàn và thân thiện với môi trường do không sử dụng điện năng.
- Hiệu quả luyện tập cao do máy hoạt động hoàn toàn nhờ lực chân và tay của người tập.
- Không biết được chính xác năng lượng đã tiêu hao do không có công cụ đo lường hỗ trợ.
- Dễ gây nhàm chán cho người tập bởi không được tích hợp nhiều tính năng, chỉ có duy nhất một chế độ tập luyện.
- Khi muốn điều chỉnh tốc độ phải ngắt quãng quá trình luyện tập và dùng tay để điều chỉnh.
- Chỉ phù hợp với người trẻ và có nhiều thời gian luyện tập.
Máy chạy bộ điện
Đây là loại máy hoạt động nhờ động cơ điện làm chuyển động băng tải. Khi tập, người tập chỉ cần bật nguồn sau đó nhấn nút khởi động để bắt đầu luyện tập. Do có sự hỗ trợ hoàn toàn từ động cơ điện nên người tập có thể thoải mái luyện tập, tăng - giảm tốc độ khi cần mà không lo quá trình tập bị ngắt quãng hay mất sức. Đối với một số dòng máy chạy bộ điện giá cao, bạn có thể thực hiện được nhiều dạng bài tập khác nhau như: chạy tốc độ vừa phải, vừa đi vừa chạy, đánh tan mỡ bụng, tập tạ tay…
Cấu tạo của máy điện
- Khung máy: Được thiết kế bởi thép không gỉ, khả năng chịu lực tốt. Đây là bộ phận quan trọng nhất của máy, có tác dụng nâng đỡ thân máy chắc chắn, đảm bảo quá trình luyện tập an toàn và êm ái hơn.
- Băng tải: Giúp người tập có thể di chuyển trong quá trình tập luyện. Kích thước của băng tải của mỗi loại máy điện mỗi thương hiệu khác nhau sẽ có kích thước khác nhau.
- Bảng điều khiển: Giúp người tập có thể chọn lựa chế độ tập phù hợp, kiểm soát được tốc độ, năng lượng tiêu hao, nhịp tim… trong quá trình luyện tập.
- Động cơ máy: Khả năng hoạt động và khả năng chịu lực của máy tập phụ thuộc vào motor. Motor càng cao thì hai khả năng này càng tốt. Nếu bạn tìm dòng máy để có thể đặt tại nhà thì nên chọn loại máy có động cơ khoảng 2.0HP. Với dòng động cơ này, khả năng chịu trọng tải của người tập sẽ từ 80kg đến 130kg.
Ưu điểm và nhược điểm của máy điện
- Máy chạy êm, không gây ồn, rung, độ an toàn khá cao
- Thiết kế gọn gàng, tiết kiệm diện tích
- Tích hợp nhiều chế độ luyện tập, không gây nhàm chán cho người tập
- Tích hợp một số tính năng phụ như: nghe nhạc, giải trí… tạo hưng phấn hơn cho người tập
- Giá thành cao hơn so với máy chạy bộ cơ
Ngoài ra, máy chạy bộ điện được phân chia thành 2 loại, gồm: máy điện đa năng và máy đơn năng. Nếu máy đơn năng chỉ được trang bị duy nhất tính năng chạy bộ thì máy đa năng lại được tích hợp rất nhiều tính năng, bài tập khác nhau. Tùy vào nhu cầu của bản thân, bạn có thể chọn lựa máy tập đơn năng hoặc đa năng cho phù hợp.
Nên mua máy chạy bộ điện hay máy chạy bộ cơ?
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại máy chạy bộ với nhiều thương hiệu khác nhau. Chính vì vậy, người dùng thường gặp khó khăn trong việc quyết định lựa chọn mua máy điện hay máy cơ. Cùng xem phần so sánh đặc điểm giống và khác nhau của hai loại máy này có quyết định cho mình bạn nhé!
Giống nhau
Đều được thiết kế để phục vụ nhu cầu luyện tập của người tập, có thể tại nhà, văn phòng hoặc tại phòng tập, giúp tiết kiệm thời gian. Cả 2 dòng đều có 2 loại máy, gồm máy chạy bộ đơn năng và máy chạy bộ đa năng (được tích hợp nhiều tính năng, tiện ích khác như: gập bụng, tạ tay, xoay eo, tập ngực, mông...). Đều được thiết kế bởi thép chịu lực có phủ sơn tĩnh điện nên có độ bền cao. Thảm chạy đều được trang bị chất liệu có khả năng chống trơn, trượt.
Khác nhau
Máy chạy bộ điện dùng điện năng để khởi động và hoạt động; được tích hợp nhiều tính năng, tiện ích khác như: đo lường năng lượng tiêu hao, nhịp tim, đo vận tốc, nghe nhạc, loa ngoài… Và có giá ở mức từ trung bình tới cao. Máy cơ dùng lực của chân, tay người tập để hoạt động, không có tích hợp các tính năng, tiện ích khác và có giá thành rẻ hơn so với máy điện.
Trên thực tế, do nhu cầu sử dụng, sự tiện lợi và quỹ thời gian hạn hẹp, nhiều người có xu hướng chọn lựa máy điện. Tùy theo ngân sách cũng như nhu cầu thực tế, bạn có thể chọn cho mình và gia đình một mẫu máy tập phù hợp. Bạn có thể sử dụng máy chạy bộ mini nếu nhu cầu luyện tập không quá nhiều. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, bạn cũng có thể lựa chọn mua các loại máy chạy bộ cũ.
Một số lưu ý dành cho người mới bắt đầu sử dụng máy chạy bộ
Việc sử dụng máy chạy bộ đúng cách sẽ giúp đạt hiệu quả luyện tập tối ưu. Vì vậy, bạn hãy tham khảo kỹ một số lưu ý dưới đây trước khi bước vào luyện tập nhé!
Vị trí lắp đặt máy
Nên đặt máy ở những nơi có địa hình phẳng, có khả năng chịu tác động lực, thoáng mát, diện tích rộng rãi, cách xa các vật dụng khác để đảm bảo an toàn khi tập.
Trang phục phù hợp, thoải mái
Quần áo mặc khi tập luyện cần có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thoáng mát, vừa vặn. Giày nên chọn loại có đế xốp dày, vừa ôm chân nhưng vẫn đảm bảo thoải mái. Với người lớn tuổi, bạn nên chọn giày có phần đế đạt độ đàn hồi cao.
Tập đúng quy trình
Việc tuân thủ đúng quy trình luyện tập giúp bạn tối ưu hóa được hiệu quả luyện tập. Do đó, bạn cần tuân thủ các bước khởi động rồi tăng dần nhịp độ, tốc độ luyện tập. Thời gian khởi động hợp lý là khoảng 5 - 10 phút.
Chọn chế độ tập luyện đúng và phù hợp
Bạn cần chọn đúng bài tập để đạt hiệu quả tốt nhất. Theo đó, để giảm bớt sự nhàm chán trong luyện tập, bạn nên đặt chế độ luyện tập thay đổi theo thời gian. Để đạt hiệu quả giảm mỡ và sức khỏe tim mạch, bạn nên thay đổi cường độ luyện tập từ cao xuống thấp thay vì giữ nguyên một cường độ thường.
Thời gian tập luyện hợp lý
Bạn nên chạy bộ vào buổi sáng, cường độ 3-4 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30- 45 phút. Bạn nên chạy bộ trước bữa ăn khoảng 30 phút hoặc sau bữa ăn khoảng 2 tiếng. Tránh chạy ngay sau khi ăn hoặc vào buổi tối sẽ gây đau dạ dày và ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bạn.
Uống đủ lượng nước
Cần cung cấp đủ lượng nước khi sử dụng máy chạy bộ để tránh mệt mỏi, chóng mặt và một số hiện tượng tiêu cực trong quá trình tập như: chuột rút, giảm sinh lực, giảm tập trung. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh uống quá nhiều ảnh hưởng tới quá trình luyện tập.
Một số loại máy chạy bộ được đánh giá cao trên thị trường
Trong phần này của bài viết, chúng tôi sẽ giới thiệu một số thương hiệu máy chạy bộ được đánh giá cao trên thị trường hiện nay để bạn có thể cân nhắc, lựa chọn trước khi mua chúng.
Máy chạy bộ Elip
Thuộc thương hiệu Elip Sport - một trong những thương hiệu nội địa uy tín, máy Elip được người dùng đánh giá cao bởi những tính năng và tiện ích mà nó mang lại. Nhìn chung, các dòng máy của thương hiệu này đều có thiết kế khá nhỏ gọn, tính thẩm mỹ cao, động cơ mạnh mẽ, linh kiện được nhập khẩu từ Châu Âu, chịu được trọng tải lên tới 140kg, hiệu quả luyện tập cao.
Mức giá tương đối hợp lý, dao động từ 6 đến 50 triệu đồng. Do đó, các loại máy đến từ thương hiệu này khá phù hợp với thu nhập của đa số người Việt Nam. Thời gian bảo hành của sản phẩm lên đến 5 năm và được bảo trì vĩnh viễn.
Máy chạy bộ Kingsport
Đây là thương hiệu máy chạy bộ đến từ Việt Nam, hiện được phân phối trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Các loại máy của thương hiệu này được đánh giá cao ở hầu hết các tiêu chí từ mẫu mã, thiết kế, giá cả, bảo hành, tính năng. Giá cả được đánh giá là khá mềm so với một số dòng máy thuộc các thương hiệu khác trên thị trường.
Máy chạy bộ Xiaomi
Mặc dù là một thương hiệu còn khá mới lạ trong số các thương hiệu về thiết bị thể thao nhưng Xiaomi vẫn nhận được đánh giá tích cực từ phía người dùng. Các dòng máy thuộc thương hiệu này đều được thiết kế từ kim loại nguyên khối, kiểu dáng hiện đại, nhỏ gọn, tích hợp rất nhiều tính năng hiện đại như: màn hình LED mini, phần mềm, ứng dụng điều khiển máy trên điện thoại, khả năng điều chỉnh tốc độ, chế độ luyện tập… Đây là loại máy chạy bộ giá rẻ, phù hợp kể cả với những người không có nhiều ngân sách.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn chọn được sản phẩm máy chạy bộ phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.